Vietnam  English

Trang chủ Tiện ích Kiến thức du lịch

Khám phá vùng Bảy Núi An Giang

Thứ hai - 12/09/2016 10:02
Khám phá vùng Bảy Núi An Giang

Khám phá vùng Bảy Núi An Giang

Khi đã "bội thực" với bộn bề phố xá, hãy thử một lần đến vùng Bảy Núi- An Giang thư giãn. Một chuyến đi ngắn, không quá tốn kém nhưng là trải nghiệm tuyệt vời với núi- rừng- kinh rạch chằng chịt và sắc màu của cộng đồng các dân tộc bản địa…
Khi đã "bội thực" với bộn bề phố xá, hãy thử một lần đến vùng Bảy Núi- An Giang thư giãn. Một chuyến đi ngắn, không quá tốn kém nhưng là trải nghiệm tuyệt vời với núi- rừng- kinh rạch chằng chịt và sắc màu của cộng đồng các dân tộc bản địa…

Không giống như những người anh em của vùng đất miền Tây Nam Bộ, An Giang vừa sở hữu những dòng sông lớn, những ruộng lúa mênh mang và cả núi đồi trập trùng miền biên viễn. Vùng Bảy Núi có những thửa ruộng áp sát chân núi, tạo thành những tầng bậc mà người ta ví von đó là ruộng bậc thang của miền Tây. Ruộng chủ yếu do đồng bào Khmer canh tác. Người ta dùng sức bò, sức trâu để cày cấy rồi bón phân chuồng để gạo "sạch" hơn.

Thời điểm này, ruộng ngả sang màu vàng óng ả báo hiệu sắp vào mùa gặt. Xong vụ, người Khmer Bảy Núi vào lễ hội đua bò- nét đặc sắc riêng có của đồng bào ở vùng bán sơn địa này. Người Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… có lễ hội đua ghe Ngo. Nhưng người Khmer An Giang thì không. Có lẽ bởi hầu hết họ sinh sống ở vùng Bảy Núi, ít sông ngòi lớn, chủ yếu là kinh rạch nên không sử dụng ghe Ngo. Bò là con vật thân thiện với họ. Người ta dùng bò để cấy cày, kéo lúa. Nông nhàn, đưa bò ra thi thố làm vui cho phum sóc. Ngày nay, cuộc đua đã mở rộng ra cho người Kinh, nông dân các tỉnh ven biên thuộc Vương quốc Campuchia tham dự. Không chỉ người Khmer mà người Kinh khắp miền Tây, rồi Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác cũng ồ ạt đổ về xem đua bò như trẩy hội. Đến Bảy Núi những ngày cuối tháng Tám âm lịch, du khách sẽ được tham gia vào lễ hội đầy sôi động này.
Đến Bảy Núi, du khách đừng quên ngắm cảnh đồng lúa mênh mang dưới chân cụm Phượng Hoàng Sơn và đồi Tà Pạ tại thị trấn Tri Tôn. Đây là vị trí ngắm ruộng đẹp nhất. Bên dưới, những ô ruộng be bé chen nhau một cách tự nhiên chứ không thẳng tăm tắp như vùng khác. Bởi địa hình không bằng phẳng, cao dần về phía chân núi nên người ta phải đắp đê uốn lượn theo địa hình. Nhờ đó mà ruộng vùng này trở thành điểm ngắm cảnh, săn ảnh của du khách. Trên đồi Tà Pạ có một hồ đá sâu hun hút, nước xanh màu ngọc bích quanh năm. Từ khi ngưng khai thác đá, hồ trở thành "điểm phải đến" của nhiều người khi đến An Giang. Cách đó chừng ba mươi phút đi xe máy là rừng tràm Trà Sư bạt ngàn đang vào mùa đẹp nhất. Tháng chín, sen vào mùa. Du khách lướt trên con đường đầy sen hồng. Bên dưới là bèo dày đặc đến mức chim có thể đi bộ trên mặt bèo để tìm thức ăn. Sâu vào giữa rừng, khi chèo xuồng dưới tán tràm xanh mướt, du khách tận mắt nhìn thấy một tấm thảm xanh mượt của bèo cám trải đầy trên mặt nước. Như thể, xuồng ba lá đang "đi" trên đường lót thảm bèo xanh chứ không phải lướt trên mặt nước rừng tràm. Nguồn thức ăn dồi dào, chim cò về rừng tràm nhiều hơn. Dơi quạ cũng về đây trú ngụ, bay từng đàn rợp trời khi hoàng hôn buông xuống.
Bảy Núi là vùng đất có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Ghé làng dệt Sray Skoth nằm ngoài rìa rừng tràm để xem con gái Khmer được mẹ truyền nghề dệt. Thổ cẩm Khmer không đơn điệu mà nhiều sắc màu, mẫu mã phù hợp dùng trong sinh hoạt hằng ngày, trang trí hay cúng dường cho nhà chùa… Họ theo đuổi nghề vì công việc và để giữ nghề khỏi mai một chứ không chỉ biểu diễn phục vụ khách du lịch nên dệt bằng cái tâm, niềm đam mê mà du khách cảm nhận được trên đôi tay, gương mặt của họ. Gắn liền với phum sóc là những ngôi chùa như được dát vàng sáng chói. Chùa Khmer theo phái Nam Tông nên phần lớn các chi tiết được làm thủ công. Bảy Núi có rất nhiều chùa Khmer. Cứ đi vài cây số lại thấy một ngôi chùa. Có những ngôi chùa cổ kính, được xây dựng lâu năm, vẫn còn lưu giữ những bộ kinh lá (kinh Phật viết trên lá cây) độc đáo.
Rời vùng Bảy Núi, du khách quay ra Châu Đốc sông nước phồn thị nhưng không quá ồn ào. Ngồi bên bờ sông nhấm nháp ly cà phê, hay thưởng thức những món ăn dân dã của cư dân đầu nguồn sông Hậu, ngắm nhìn làng Chăm cổ kính soi bóng phía bờ kia sông. Đừng vội vã, du khách nên đi đò qua sông để bước vào những ngôi thánh đường thênh thang mà thanh thoát, yên bình. Xung quanh những ngôi thánh đường là những mái nhà sàn rêu phong được xây dựng từ gần một thế kỷ trước. Đâu đó bên cửa sổ, cô gái Chăm e ấp lấy chiếc khăn ma-tơ-ra che ngang mặt cười bẽn lẽn khi bất chợt bắt gặp ánh nhìn của du khách./.

baocantho.com.vn

Nguồn tin: baocantho.com.vn

Những tin mới hơn

 
Tour ngoài nước Du lịch tự chọn

Tỷ giá - Ngoại tệ

Mã NTMua tiền mặtMua chuyển khoảnBán

Ẩm thực Việt Nam

Thống kê

Tổng lượt truy cậpChào khách hàng thứ : 12372462

Đang truy cậpĐang truy cập : 21