Vietnam  English

Trang chủ Tin Tức Tin tức du lịch

UNESCO đã đưa Yên Tử vào danh mục dự kiến đề cử Di sản văn hóa Thế giới

Thứ ba - 13/01/2015 09:13
UNESCO đã đưa Yên Tử vào danh mục dự kiến đề cử Di sản văn hóa Thế giới

UNESCO đã đưa Yên Tử vào danh mục dự kiến đề cử Di sản văn hóa Thế giới

Website chính của UNESCO đã đưa Yên Tử vào danh mục các di sản dự kiến sẽ được nộp hồ sơ trong thời gian tới.


Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử gồm 3 khu di tích: Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu Di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang).
Về tổng thể, khu vực di sản nằm trong vùng núi cao Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Vùng núi này là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng nơi có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và còn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử nơi mệnh danh là "Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam".
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách Thạch thất mị ngữ và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều; Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)... Tại trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Đạo Tái, vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã lên ý tưởng lập hồ sơ đưa danh thắng Yên Tử ứng thí vào vị trí di sản thế giới. Bộ hồ sơ này sẽ được UBND tỉnh Quảng ninh và tỉnh Bắc Giang khẩn trương xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9/2015, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và nộp lên UNESCO trong năm 2016 để có thể được xem xét công nhận di sản thế giới vào năm 2017.
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử đạt các tiêu chí cho đề cử Di sản Văn hóa thế giới vì nó đã đạt các tiêu chí như:
Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy.
Hệ thống di tích trong khu Danh thắng Yên Tử, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi trập trùng.
Đặc biệt cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh” hiện còn được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (theo Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán…
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay, đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên Danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một “Trung tâm phật giáo” với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.
Phía Tây Yên Tử với diện tích rộng lớn, gồm nhiều thảm thực vật và đặc biệt là hàng loạt công trình kiến trúc, chùa chiền mang dấu ấn Phật giáo thời Lý – Trần, khu vực này cũng in đậm nhiều truyền thuyết liên quan tới Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, và sự giao thoa giữa văn hóa cung đình với đồng bào dân tộc thiểu số; giữa các quan lại, công chúa, cung tần, mỹ nữ triều đình với đồng bào dân tộc thiểu số của nước Đại Việt thời đó.
Địa danh Yên Tử từ ngàn xưa được biết đến và ca ngợi như “phúc địa”, bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, huyền bí của thiên nhiên, của cõi thiền xưa ẩn chứa những thông tin về con người và vùng đất thiêng nơi đây./.




 

Những tin mới hơn

 
Tour ngoài nước Du lịch tự chọn

Ẩm thực Việt Nam

Thống kê

Tổng lượt truy cậpChào khách hàng thứ : 14448920

Đang truy cậpĐang truy cập : 273