6 lỗi khách thường mắc khi đến Bali

6 lỗi khách thường mắc khi đến Bali
Nắm tay và ôm nhau trên đường phố có thể chấp nhận được, nhưng bạn không nên thân mật hơn thế.
Lucienne Anhar, đồng sở hữu Tập đoàn Nhà hàng và Khách sạn Tugu và sống ở Bali 20 năm, vẫn nhớ Bali của những năm 1980, 1990 và 2000 đẹp như một thiên đường với những ngôi đền cổ kính, cánh đồng lúa bất tận, bãi biển vắng khách.

Ngày nay, Bali luôn chật kín người với hơn 6,3 triệu khách ghé thăm năm 2019. Hiện đây là nơi sinh sống của hơn 3.000 dân du mục kỹ thuật số. Vì vậy, Anhar có nhiều cơ hội quan sát thói quen của khách du lịch và nhận ra 6 điều họ thường mắc khi đến đây.

Thổ địa Lucienne Anha. Ảnh: Luxe city guide
Thổ địa Lucienne Anha. Ảnh: Luxe city guide
Mắc bẫy du lịch

Phương pháp chữa bệnh truyền thống ở Bali trở nên phổ biến khi bộ phim Eat, Pray, Love được công chiếu năm 2010. Nhưng không phải mọi phương pháp đều có tác dụng. Nhiều du khách cả tin đã rơi vào bẫy này, khi trả tiền với giá cao để được chữa trị một căn bệnh nào đó theo phương pháp cổ truyền.

Một bẫy du lịch khác là những người lái xe thường đưa khách đến các cửa hàng bán đồ trang sức. Trong khi đó, những cửa hàng này thường bán đồ chất lượng thấp, còn du khách cảm thấy không vui khi bị ép mua. Để tránh tình huống này nên nhờ khách sạn thuê giúp xe nếu muốn ra ngoài.

Tức giận khi tham gia giao thông

Trong những năm gần đây, giao thông ở Bali hỗn loạn hơn vì ngày càng đông người. Ngay cả khi đi một quãng đường ngắn, du khách cũng mất nhiều thời gian ngồi trong ôtô. Người địa phương có thái độ điềm tĩnh khi ra đường, không bấm còi inh ỏi hay chửi thề, ngay cả khi gặp những không tuân thủ luật giao thông. Thay vì bực tức, du khách nên làm theo dân địa phương.

Làm phiền người dân vào những ngày họ tham gia nghi lễ

Người Bali tham dự nhiều nghi lễ trong năm, như cầu nguyện tại các ngôi đền, tham dự lễ hỏa táng. Có nhiều người sẽ không thể đến chỗ làm vào những ngày đó. Chẳng hạn bạn muốn đi tham quan một nơi nào đó, cần hướng dẫn viên địa phương nhưng lại trùng ngày họ có nghi lễ. Thay vì ép hướng dẫn viên đúng ngày, khách nên rời lịch sang hôm sau.

Vào ngày Nyepi (ngày im lặng), người Bali không nói chuyện với nhau. Họ dừng mọi hoạt động và dành toàn thời gian cầu nguyện trong im lặng. Sân bay đóng cửa, mọi người gồm khách du lịch đều phải ở trong nhà, theo Anhar. Năm nay, Nyepi rơi vào 22/3.

Khách Việt tham quan Bali. Ảnh: Nguyễn Bích Thảo
Khách Việt tham quan Bali. Ảnh: Nguyễn Bích Thảo
Mặc quần short quá ngắn

Người Bali lịch sự nên ít phản ứng, theo Anhar. Họ sẽ không gặp bạn để nói thẳng nếu thấy mặc quần short quá ngắn, váy xuyên thấu hay áo lưới đi lại trên đường phố. Người Bali coi thiên nhiên là một điều thiêng liêng. Vì vậy, du khách nên tránh chụp ảnh khoe thân trên núi Agung - núi thiêng nhất đảo, hay khỏa thân ôm cây đa.

Thể hiện tình cảm thân mật quá mức

Mặc dù hầu hết người dân đều rất cở mở, họ vẫn hạn chế về việc thể hiện tình cảm nơi công cộng. Nhiều du khách có những cử chỉ quá thân mật, khiến người dân khó xử. Dù vậy, khách hoàn toàn có thể ôm, hoặc nắm tay nhau, vì đây được cho là điều bình thường.

Chỉ đến các bãi biển

Một nửa số bãi biển ở Bali có cát đen núi lửa, sóng lớn, chỉ phù hợp để lướt sóng, tắm có thể gặp nguy hiểm. Anhahr khuyến khích mọi người không nên chỉ đi biển, vì "còn có nhiều thứ hơn nữa". Một trong các trải nghiệm khách nên khám phá là ghé thăm các đền thờ, khám phá văn hóa cuộc sống của người dân địa phương, núi, hồ và thác nước.

Tác giả bài viết: Anh Minh (Theo Insider)

Nguồn tin: VnExpress